Tái thả Tái hoang dã

Nguyên tắc

Việc tái thả động vật hoang dã là việc đưa chúng trở lại nơi sinh sống tự nhiên sau khi được chăm sóc, chữa trị từ các trung tâm cứu hộ, vườn thú, trại nuôi hay động vật thu giữ từ hoạt động săn bắt, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đó còn là hình thức luân chuyển động vật từ nơi này đến một nơi khác nhằm mục đích bảo tồn cá thể động vật, đưa cá thể động vật về nơi phân bố trước kia của chúng. Việc tái thả phải bảo đảm an toàn cho người, động vật được tái thả và các loài động thực vật tại khu vực tái thả theo nguyên tắc chỉ tái thả khi động vật khỏe mạnh, lành lặn, không nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh. Động vật thường bị tái thả bên ngoài môi trường sống vốn có của chúng. Đây chính là một trong những mối đe dọa đến các quần thể hoang dã.

Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã được xem là nơi tạm trú của các loại động vật hoang dã sau những lần chúng được cơ quan chức năng giải cứu từ hoạt động săn bắt, buôn bán để nuôi nhốt tại đó trung tâm sau đó sẽ thả các cá thể động vật vào rừng, góp phần giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật quý hiếm. Quy trình tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên phải trải qua nhiều công đoạn, từ việc cứu hộ thành công, việc chăm sóc và tái thả động vật hoang dã về môi trường tự nhiên cũng phải tuân thủ những nguyên tắc, trong đó, chúng phải trải qua 30 ngày kiểm dịch, sau đó, các cá thể khỏe mạnh và đáp ứng tiêu chí tái thả sẽ được thả vào các khu rừng được bảo vệ.

Trước khi tái thả, động vật được kiểm tra và theo dõi chặt chẽ về sức khỏe, thói quen ăn uống, bản năng, trọng lượng và tình trạng cơ thể. Trước khi tái thả, nhóm điều tra thực địa sẽ thực hiện các khảo sát để đánh giá tính phù hợp của các địa điểm tái thả. Điều kiện môi trường sống, dấu hiệu của các quần thể hoang dã và áp lực săn bắn được quan tâm nhằm tăng cao tỷ lệ sống của động vật được tái thả và đảm bảo chúng sẽ được hỗ trợ ở quần thể hoang dã và qua quá trình theo dõi những đợt tái thả này cùng với các ảnh hưởng của chúng đối với quần thể hoang dã, công tác tái thả động vật hoang dã sẽ hỗ trợ cho việc phục hồi các loài động vật hoang dã đang bị đe dọa.

Nhiều động vật hoang dã bị buôn bán trái phép nhằm phục vụ nhu cầu làm thực phẩm, thuốc đông y, thú nuôi và làm đồ lưu niệm. Trong quá trình vận chuyển trái phép, các cá thể này thường bị mất nước, thiếu dinh dưỡng, bệnh tật, và mang trên mình nhiều vết thương do dính bẫy săn. Những kẻ thợ săn và người buôn bán bất hợp pháp thường nhồi nhét một lượng lớn các hỗn hợp (như bột ngô, bột đá) vào cơ thể để tăng trọng lượng của chúng trước khi bán. Nhiều trường hợp thường thả trực tiếp động vật hoang dã tịch thu từ buôn bán trái phép về tự nhiên, mà không trải qua bất kỳ khâu kiểm tra sức khỏe hoặc kiểm dịch nào.

Quy trình

Với cá thể, mỗi loài có một đặc tính khác nhau do môi trường sống, điều kiện sống khác nhau, khi được thu gom về đây phân loại, đa số các cá thể đều yếu ớt, bị thương, phải mất rất nhiều công sức và tâm huyết để chữa trị cho chúng lành bệnh, sau khi được chăm sóc, chữa trị vết thương, động vật sẽ được thả về môi trường tự nhiên tại nhiều vườn quốc gia trên địa bàn. Các loài vật có tập tính sống theo bầy đàn, có nguồn thức ăn nhiều, phân bố rộng thì khả năng huấn luyện, tái thả sẽ có thời gian ngắn (thường trong vòng 3-6 tháng sau khi tiếp nhận). Tuy nhiên, cũng có những loài cần thời gian huấn luyện trước khi tái thả từ 1,5-3 năm (thường là các loài như vượn đen má vàng, culi).

Vì vậy, sau khi huấn luyện bản năng thông thường (vận động, nhận biết, tìm kiếm thức ăn) thì phải có thêm 1 bước huấn luyện trước khi tái thả. Đó là huấn luyện trong môi trường bán hoang dã như một khu vực giống như một cánh rừng được thu hẹp. Với cách làm này, khi thả ra tự nhiên thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Các loài thú hoang dã phải được sống trong tự nhiên, đó là mục tiêu và cũng là động lực để những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã gắn bó với công việc. Và nhiều động vật đã được cứu sống, phục hồi và tái thả trở lại tự nhiên nhằm cải thiện các quần thể thú ăn thịt.

Cũng có rất nhiều cá thể, dù được cứu hộ, huấn luyện nhưng vẫn không thể tái thả về tự nhiên. Những trường hợp này thường rơi vào các loài thú lớn (gấu chó, gấu ngựa). Do nuôi nhốt quá lâu ngày để lấy mật (có trường hợp bị nuôi nhốt đến 20 năm trước khi được cứu hộ), làm xiếc thú, chúng bị mất hết bản năng tự nhiên, rất khó để huấn luyện, tái thả. Với những loài này thì chủ yếu làm công tác an sinh, phúc lợi động vật, chăm sóc suốt đời, nuôi nhân đạo để phục vụ công tác giáo dục, bảo tồn động vật hoang dã. Các cá thể không thể tái thả sẽ được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm giáo dục để truyền cảm hứng cho du khách tham gia vào công tác bảo tồn động vật hoang dã.

Linh trưởng

Sau khi tiếp nhận các cá thể thuộc bộ linh trưởng, các trung tâm tiến hành huấn luyện ban đầu (bản năng di chuyển trên cây, ăn thức ăn tự nhiên). Sau đó, chúng được đưa sang khu vực khác để sống trong môi trường bán hoang dã trước khi tái thả ra tự nhiên. Trong số các loài thuộc bộ linh trưởng, việc tái thả loài vượn đen má vàng gặp phải nhiều khó khăn vì chúng là loài vật có tập tính sống theo gia đình, bảo vệ lãnh thổ, 80% thức ăn là trái cây rừng. Chúng chỉ sống ở những khu rừng có tán rừng liên tục (rừng thường xanh, rừng nguyên sinh). Do vậy, thông thường, tại trung tâm, các con vượn đen má vàng sẽ được tìm cách ghép đôi, bắt cặp trước khi tái thả. Để làm được việc này, các con vượn đực, vượn cái thường được nhốt gần chuồng của nhau.

Trong quá trình chăm sóc, các chuyên gia sẽ quan sát nếu thấy chúng có vẻ mến nhau thì họ sẽ mở cửa chuồng cho chúng chung sống. Nếu chúng có thể chung sống hòa bình, chịu giao phối với nhau thì coi như việc kết đôi là thành công. Sau khi hoàn thành huấn luyện bản năng tự nhiên, những gia đình vượn này sẽ được tái thả về rừng. Trước khi tái thả, các nhân viên cứu hộ phải tiến hành điều tra khảo sát khu vực dự định tái thả một cách kỹ lưỡng xem khu vực này có thích hợp hay không. Chọn lựa không đúng vị trí có thể sẽ gây hại cho cá thể đó. Nếu khu vực chọn thả đã là lãnh thổ của một gia đình vượn khác, chúng sẽ chiến đấu để tranh giành lãnh thổ. Trong trường hợp này, những con vượn đã từng bị nuôi nhốt lâu ngày sẽ không thể nào đánh thắng được những con vượn khỏe mạnh và hoang dã trong tự nhiên.

Vì vậy, khu vực được chọn để tái thả những con vượn mới phải là những khu vực không hề có con vượn nào sinh sống. Để tìm được một địa điểm như vậy, các nhân viên cứu hộ phải lặn lội vào rừng sâu, có khi phải ở trong rừng hằng tháng trời mới khảo sát được.Không chỉ riêng loài vượn đen má vàng, với những loài vật thuộc nhóm nguy cấp, trung tâm phải thực hiện chương trình theo dõi sau tái thả. Chúng được gắn các chip để theo dõi khả năng hòa nhập môi trường tự nhiên. Sau 1-2 năm, chip tự động rơi xuống, lúc đó chúng sẽ sống hoàn toàn trong tự nhiên. Đối với những trường hợp chưa thích nghi được hoặc do bị đánh, xua đuổi ngoài tự nhiên thì các nhân viên của trung tâm sẽ di chuyển chúng sang một địa điểm khác hoặc mang về tiếp tục huấn luyện, sau khi huấn luyện, tỷ lệ tái thả thành công đạt khoảng 90-95%.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tái hoang dã //edwardbetts.com/find_link?q=T%C3%A1i_hoang_d%C3%... http://articles.timesofindia.indiatimes.com/2008-0... http://rewildingeurope.com/ http://www.rewildingtheworld.com/ http://www.ted.com/talks/george_monbiot_for_more_w... http://www.wildlifeextra.com/go/news/lion-reintrod... http://www.americanprairie.org/ http://www.conbio.org/cip/article71wil.cfm //dx.doi.org/10.1111%2Fj.1526-4629.2006.tb00148.x http://www.eurowildlife.org/news/a-%E2%80%9Cnoah%E...